Trên các gói chống ẩm thường được in câu cảnh báo “Không được ăn”. Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta ăn nhầm những gói chống ẩm này?
Chúng ta thường bắt gặp những gói chống ẩm được đặt bên trong những lọ thuốc, túi bánh hoặc thực phẩm. Bên trên các túi chống ẩm này luôn được in dòng chữ cảnh báo “Không được ăn”. Vậy nếu không may chúng ta ăn nhầm hoặc cố tình ăn những gói chống ẩm này, chuyện gì sẽ xảy ra?
Gói chống ẩm là một túi chứa các hạt silica gel, hay còn gọi là gel axit silixic. Silica gel đã được phát hiện từ những năm 1600, tuy nhiên, nó hầu như không được sử dụng, cho đến khi tính hút nước của silica gel được tận dụng để đưa vào mặt nạ phòng độc sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Silica gel có thể hấp thụ rất nhiều nước, tương đương 1/3 trọng lượng của nó mà không cần phải trải qua bất kỳ phản ứng hóa học hoặc thay đổi hình dạng nào. Ngay cả khi chúng đã bão hòa, các hạt silica gel vẫn ở trạng thái khô ráo khi ta chạm vào và có thể được tái sử dụng sau khi làm nóng ở nhiệt độ 121oC trong vòng 2 giờ. Đặc tính này giúp silica gel đặc biệt hữu ích trong việc kiểm soát hơi nước và độ ẩm. Trong chiến tranh, silica gel được dùng để bảo quản thuốc, thiết bị quân sự và vật tư để giúp chúng luôn khô ráo.
Ngày nay, chúng được đóng gói thành các túi chống ẩm để đặt kèm các sản phẩm như thuốc viên, đồ điện tử, thực phẩm, đồ da hoặc sử dụng trong các bảo tàng và thư viện để chống gỉ, ăn mòn, xỉn màu, nấm mốc, hư hỏng các hiện vật…
Nếu túi chống ẩm đi kèm trong một gói bánh hoặc thực phẩm, bạn sẽ thấy bên trên luôn in kèm dòng chữ cảnh báo “Không được ăn”. Vậy điều gì xảy ra nếu bạn bất chấp lời cảnh báo trên túi chống ẩm và ăn thử vài hạt? Câu trả lời là “không sao cả”.
Silica gel cơ bản là cát nhân tạo, nó không độc hại và không tạo ra phản ứng hóa học. Những người đã ăn thử vài hạt đến cả túi chống ẩm cho biết họ không gặp phải tình trạng xấu nào về sức khỏe cũng như không cảm thấy khó chịu gì.
Với những ai tò mò, khi ăn túi chống ẩm (chính xác hơn là ăn silica gel) sẽ không hề có vị gì.
Tính chất của silica gel là hút ẩm, nhưng trừ khi bạn ăn một lượng rất lớn mới có thể làm cho cơ thể bị hút hết nước, còn nếu chỉ ăn một gói chống ẩm sẽ khiến cho miệng của bạn cảm thấy khô và mất nước do silica gel hút hết chất ẩm bên trong khoang miệng.
Trong trường hợp trẻ em vô tình ăn nhầm gói chống ẩm, những đứa trẻ có thể sẽ cảm thấy khó chịu vì bị khô miệng và cổ họng. Để xử lý vấn đề, hãy cho trẻ uống thật nhiều nước.
Vậy tại sao lại có cảnh báo “không được ăn” trên gói chống ẩm? Thông thường, lời cảnh báo này thường chỉ được in trên những gói chống ẩm đi kèm với túi thực phẩm. Do vậy, mục đích chính của lời cảnh báo là để người dùng không bị nhầm lẫn và tưởng rằng gói chống ẩm là một phần của món ăn, tránh việc họ ăn nhầm các hạt silica gel bên trong gói chống ẩm.
Ngoài ra, dù không gây nguy hiểm nếu ăn phải, nhưng silica gel cũng không hoàn toàn vô hại.
Đôi khi các gói chống ẩm thường được thêm một chất phụ gia có tên gọi Coban Clorua II. Đây là một chất được thêm vào để dễ quan sát được mức hấp thụ độ ẩm của các hạt silica gel, giúp các hạt này có màu xanh lúc khô và chuyển sang màu hồng khi đã hút hơi ẩm. Coban Clorua II là một chất có thể gây hại cho con người và thậm chí bị nghi ngờ có thể gây ung thư.
Một lý do khác để không nên ăn một gói chống ẩm, đó là bạn không thể biết được silica gel đã tiếp xúc những thứ gì trong môi trường xung quanh nó. Đôi khi silica gel còn có thể hấp thụ cả những thứ bẩn thỉu khác trong quá trình sản xuất hoặc vận chuyển, thậm chí đôi khi silica gel có thể hấp thụ cả một ít thuốc diệt nấm hoặc thuốc trừ sâu.
Tóm lại, việc ăn một gói chống ẩm không phải là vấn đề quá nghiêm trọng có thể gây chết người tức khắc, nhưng rõ ràng việc ăn gói chống ẩm là một ý tưởng tồi và không nên thực hiện.
Hiện tại các gói chống ẩm được bán riêng lẻ để người dùng có thể mua và chống ẩm cho nội thất trong nhà, đồ điện tử… Tuy nhiên, một điều cần lưu ý khi sử dụng gói chống ẩm đó là không được thả các hạt silica gel xuống cống, bởi lẽ những hạt này sẽ không tan trong nước, có thể gây ra tình trạng tắc nghẽn cống nước.
Theo Dantri